Mụn không còn là vấn đề gì quá xa lạ với mỗi người, là nỗi ám ảnh, ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình. Hiểu được nguyên nhân gây ra mụn sẽ giúp bạn có các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa ngay từ đầu. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến các tác nhân gây ra mụn cũng như gợi ý cho bạn một số tip chăm sóc da để mụn không còn là nỗi lo lắng nữa nhé!
#1. Các loại mụn thường gặp
Mụn có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể. Bên cạnh việc gây mất thẩm mỹ thì mụn còn để lại nhiều tổn thương cho da. Các loại mụn thường gặp bao gồm:
- Mụn trứng cá đầu đen: xuất hiện trên bề mặt da và có màu đen do oxy hóa
- Mụn trứng cá đầu trắng: nằm ngay dưới bề mặt da và có màu trắng
- Mụn bọc, mụn viêm: có màu đỏ và mủ ở đầu
- Mụn ẩn: nằm sâu trong nang lông khiến bề mặt da sần sùi
- Mụn thịt: nhỏ li ti như hạt gạo, nổi gồ lên bề mặt da
- Mụn đinh râu: sưng to, có mủ và ngòi mụn, gây đau buốt
#2. Nguyên nhân gây mụn
Mụn thường xuất hiện chủ yếu ở vùng mặt bao gồm hai bên má, trán, cằm, xung quanh mũi và miệng. Hai tác nhân chính gây ra mụn là nội tiết tố (Hormone) và vi khuẩn sống ở nang lông (P.acne). Vi khuẩn P.acne bình thường không gây hại nhưng khi bã nhờn tích tụ nhiều và khiến bít tắc lỗ chân lông sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm nhiễm, tạo thành mụn viêm, mụn bọc.
Mụn gây ra bởi các nguyên nhân chính sau:
#2.1. Sự thay đổi của nội tiết tố (Hormone)
Sự thay đổi nội tiết tố có thể do thời kỳ dậy thì, mang thai hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt. Những thay đổi về nội tiết tố có thể khiến cho tuyến bã nhờn hoạt động nhiều hơn bình thường, kích thích tiết ra nhiều dầu hơn. Điều này có thể khiến cho miệng tuyến bã bị tắc nghẽn, lâu dần dẫn đến hình thành mụn.
Những thay đổi về nội tiết tố có thể khiến cho tuyến bã nhờn hoạt động nhiều hơn bình thường, kích thích tiết ra nhiều dầu hơn
Mụn do sự tăng lên của Hormone sinh dục ở tuổi dậy thì thường có màu đỏ và không có nhân, xuất hiện nhiều ở vùng cằm, xung quanh miệng hoặc trán. Ở trường hợp này, làn da cần được làm sạch nhẹ nhàng để giúp thông thoáng lỗ chân lông, bên cạnh đó cũng cần sự thăm khám từ bác sĩ chuyên khoa da liễu để hạn chế sự phát triển và lây lan của mụn.
Mụn do thay đổi nội tiết trong chu kỳ kinh nguyệt cũng có dấu hiệu tương tự như mụn do tuổi dậy thì nhưng lại khó điều trị tận gốc và dễ nổi lại vào chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lo lắng quá nếu như mụn không lên nhiều và không có dấu hiệu lan rộng ra vùng da xung quanh.
Việc sử dụng các loại thuốc có tác động đến Hormone như thuốc tránh thai hoặc thuốc đặc trị một loại bệnh nào đó cũng có thể gây ra mụn.
#2.2. Căng thẳng, stress kéo dài
Căng thẳng thần kinh không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra mụn, tuy nhiên nó lại gián tiếp khiến tình trạng mụn của bạn trở nên nặng và tồi tệ hơn. Trong khoảng thời gian bạn căng thẳng, hormone cortisol (hormone căng thẳng) sẽ được giải phóng, phá vỡ mức hormone điều tiết sự cân bằng, khiến cho tuyến bã nhờn tiết ra nhiều dầu hơn, dẫn đến sự mụn bùng phát.
Mụn do căng thẳng thần kinh thường xuất hiện ở những vùng chữ T và đi kèm với hiện tượng giãn nở lỗ chân lông. Bạn cũng sẽ có thể xuất hiện dấu hiệu nổi mẩn và ngứa.
Căng thẳng thần kinh gián tiếp khiến tình trạng mụn của bạn trở nên nặng và tồi tệ hơn
#2.3. Chế độ sinh hoạt không khoa học
Chế độ sinh hoạt ở đây bao gồm chế độ ăn và thời gian ngủ của mỗi người.
Chế độ ăn cũng là một trong các nguyên nhân gây ra mụn. Tuy nhiên, loại thực phẩm nào gây mụn cũng còn phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người. Có người sẽ nổi mụn khi ăn một loại thực phẩm nào đó, còn người khác thì lại không.
Nhìn chung, có thể nói rằng chế độ ăn nhiều đường, nhiều carbohydrate (như khoai tây chiên chẳng hạn) sẽ khiến nổi mụn và làm cho tình trạng mụn trầm trọng thêm. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ các loại thực phẩm không tốt cho hệ tiêu hóa cũng sẽ làm giảm khả năng hoạt động của dạ dày, ruột và gan khiến cho các chất độc từ thực phẩm không được thanh lọc hết và bị đẩy qua phổi, da để bài tiết.
Thiếu ngủ cũng sẽ làm mất sự cân bằng hormone do cơ thể không đủ thời gian để đào thải hết độc tố ra ngoài. Những độc tố dư thừa sẽ bị đào thải qua da, gây mụn.
#2.4. Tác động từ môi trường bên ngoài
Môi trường bên ngoài ở đây bao gồm khí hậu, bụi bẩn và vi khuẩn.
Làn da chịu nhiều tác động đến từ trạng thái thời tiết. Da dễ bị đổ dầu nhiều hơn mức bình thường vào mùa hè, khiến lỗ chân lông bị bít tắc. Ngược lại, vào thời tiết hanh khô, da bị mất ẩm ngược gây khô và mất nước từ bên trong da. Những điều này đều có thể gây ra các loại mụn khác nhau tùy thuộc vào loại da của bạn.
Vi khuẩn và bụi bẩn cũng là nguyên nhân khiến cho da nổi mụn. Đây là 2 nhân tố mà chúng ta khó có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Chúng bám vào da và nếu không được làm sạch thì sẽ dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông, gây viêm và nổi mụn.
#2.5. Các loại mỹ phẩm không phù hợp
Ngày nay, các loại mỹ phẩm và skincare là món đồ không thể thiếu của phái nữ nói riêng cũng như những ai quan tâm đến việc làm đẹp và chăm sóc da nói chung. Tuy nhiên, thị trường lại có quá nhiều các loại mỹ phẩm với những thành phần và công dụng khác nhau dẫn đến việc khó lựa chọn cho người tiêu dùng. Một số loại mỹ phẩm có thể tốt và có hiệu quả với một số người nhưng lại gây kích ứng cũng như làm nổi mụn cho một số người khác.
Thị trường lại có quá nhiều các loại mỹ phẩm với những thành phần và công dụng khác nhau
#3. Ngăn ngừa mụn bằng việc chăm sóc da đúng cách
#3.1. Luôn giữ cho da sạch
Làm sạch da bằng việc rửa mặt tối thiểu 2 lần/ngày (số lần rửa mặt tùy thuộc vào tình trạng da của bạn). Có thể sử dụng máy rửa mặt để làm sạch da nhất có thể. Lựa chọn sữa rửa mặt phù hợp với làn da cũng là một điều cần thiết. Đối với những người có làn da nhạy cảm, nên cân nhắc các dòng sữa rửa mặt dịu nhẹ, có tác dụng làm sạch sâu để tránh gây kích ứng cho da.
Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng thêm toner sau khi rửa mặt để làm sạch phần bụi bẩn còn lại từ sâu trong lỗ chân lông cũng như giúp cân bằng độ pH cho da.
Đừng quên một điều nữa là tẩy da chết 1-2 lần/tuần để làm sạch lớp tế bào chết, bụi bẩn tích tụ trên da, giúp cho da sạch sẽ và thông thoáng hơn.
#3.2. Lựa chọn loại mỹ phẩm phù hợp và chỉ nên trang điểm khi thực sự cần thiết
Với hàng loạt các thương hiệu mỹ phẩm từ cao cấp cho đến “bình dân” như hiện nay, quả thực rất khó để cho bạn có thể biết đâu là loại phù hợp với mình. Một lời khuyên nho nhỏ là bạn có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ da liễu để biết mình là loại da nào, tình trạng da hiện tại ra sao và độ tuổi này thì nên sử dụng các loại sản phẩm nào. Từ đây các bạn sẽ có thể dựa vào thành phần, công dụng và chủng loại của mỹ phẩm để lựa chọn được sản phẩm phù hợp với mình.
Bên cạnh đó, lớp trang điểm cũng sẽ bám rất dai trên da, để lâu gây bít tắc lỗ chân lông. Chính vì vậy mà nên hạn chế việc trang điểm khi không cần thiết và nên tẩy trang, rửa mặt thật sạch ngay sau đó.
Nên tẩy trang, rửa mặt thật sạch ngay sau khi trang điểm
#3.3. Chế độ sinh hoạt khoa học
Bạn nên lên cho bản thân một chế độ ăn hợp lý, tránh nạp quá nhiều đường và chất béo cũng như tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa vitamin A, C, … tốt cho sức khỏe và da. Ngủ đủ giấc và điều tiết tâm trạng của bản thân cũng sẽ giúp hạn chế sự gia tăng của hormone căng thẳng cortisol, giúp ngăn ngừa và hạn chế sự bùng phát của mụn.
KẾT LUẬN
Đến đây, chắc hẳn bạn đã biết cần phải tránh những gì để hạn chế sự phát triển của mụn rồi đúng không nào? Trị mụn và chăm sóc da là cả một “cuộc chiến trường kỳ” vậy nên bạn cần thật kiên nhẫn với làn da của mình nhé!
Một lưu ý nho nhỏ nữa là bạn không nên nặn mụn bất kể là loại mụn nào vì sẽ dẫn tới khả năng lây lan cũng như viêm nhiễm hơn, gây tổn thương nặng nề cho da.
Nếu bạn vẫn còn những băn khoăn, đừng ngại chia sẻ với Bệnh viện Thái Thượng Hoàng hoặc để lại thông tin và bác sĩ chuyên khoa của chúng tôi sẽ trực tiếp liên hệ tư vấn.
----------------------
BỆNH VIỆN THÁI THƯỢNG HOÀNG
VÌ SỨC KHỎE VÀ NỤ CƯỜI CỦA BẠN
Điện thoại tư vấn: 0888.056.785 - 094.996.7337
Địa chỉ: Số 28 Nguyễn Sỹ Sách, TP. Vinh, Nghệ An
(*) Thuộc nhóm dịch vụ thủ thuật chăm sóc da điều trị và thẩm mỹ